Tìm hiểu ý nghĩa vài tượng thờ

Tượng Phật-những điều tôi chưa biết Nước Việt nam ta theo đạo Phật từ năm 187 Dương lịch đến nay đã được 1765 năm. Trên từ Vua, Chúa, dưới...

Tượng Phật-những điều tôi chưa biết
Nước Việt nam ta theo đạo Phật từ năm 187 Dương lịch đến nay đã được 1765 năm. Trên từ Vua, Chúa, dưới từ Tể tướng tới Đại thần, nhân dân trăm họ đều tin sùng đạo Phật, điển hình như các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần. Có thể nói toàn dân Việt nam đều là người tin theo Phật giáo. Mãi đến đời Chúa Trình mới có các vị giáo sỹ người Ý-Pha-Nho theo các tàu buôn đem Gia-tô-giáo truyền vào.

Nói về chùa chiền thì từ thành thị cho đến thôn quê, từ đầu non cho đến chân sóng, không mấy làng là không có chùa để thờ Phật. Nhiều làng còn có hai ba ngôi chùa đồ sộ nguy nga nữa là khác. Thế mà nay ta thử hỏi các cụ thái ông lão bà hay thiện nam tín nữ ở làng ấy rằng: các ngài làm nhiều chùa, thờ nhiều tượng như thế, vậy có biết tên các pho tượng kia là gì không? Tượng tạc thế nào là khéo? Thờ thế nào là phải?…thì có tới 90% không biết trả lời ra sao, mà có trả lời thì cũng chỉ nói một cách mơ hồ mà thôi: “xưa kia tiền nhân làm ra như thế thì chúng tôi chỉ biết vậy, chứ nào có hiểu ra sao?”. Ôi! Mơ hồ đến thế là cùng !
Thờ Phật mà không hiểu biết Phật là thế nào, có khác nào người học trò không biết tên ông thầy dạy mình là người ra sao, con cháu mà không biết đến tên tuổi sự nghiệp của cha ông, hay không khác gì ông A ở làng nọ, vốn có chân trong Tư văn hội. Tôi có hỏi: “ Tư văn là thế nào? Ông học thầy nào? Thầy người quê quán ở đâu? Hình dạng thầy ra sao? Thầy dạy ông những gì mà ông tế lễ?”. Ông ta trả lời: “Nào tôi có học hành gì đâu, thấy người ta vào hội Tư Văn, mỗi khi tế Thánh, góp tiền ăn thịt, góp gạo ăn xôi thì tôi cũng vào một chân để họp mặt làm vui chứ có ý nghĩa gì khác nữa mà Ngài hỏi!”.
Ôi! người theo đạo Nho như thế mà người theo đạo Phật cũng lại như thế ! Họ đều có một quan niệm sai lầm như vậy !
Người Việt nam ta xưa kia cũng theo đạo Phật và đạo Nho nhưng đâu có như ngày nay. Bởi những nguyên nhân ấy, nên tôi chẳng ngại tài hèn trí mọn, lời lẽ thô sơ khảo trong các kinh điển nhà Phật biên thành một tập tổng quát, lấy tên là “Tượng Phật tại nội tự”- Phật tại chùa nhà để giải đáp những chỗ sai lầm của những ai đã theo đạo Phật mà chưa hiểu biết Phật là thế nào, hoạ may có giúp được phần nào cho người hậu sinh trong muôn một vậy.
1। Đức Di-lặc
Đức Di-Lặc là Đức Phật sau này sẽ kế ngôi Đức Phật Thích Ca, làm Giáo Chủ ở cõi Sa Bà để giáo hoá chúng sinh, kể cả cõi người lẫn cõi Trời. Trong Kinh chép: Hiện nay, Ngài còn ở cung Lưu Ly trên cõi Đâu Xuất-là nơi rất vui thú và sung sướng vô cùng, không hề có chút phiền não, lo lắng gì; cho nên hình tượng Ngài là một vị Phật ngồi béo phệ. Cũng có nới tạc nằm ngả lưng trên cái gối, tay cầm tràng hạt, miệng cười hớn hở và mặt tươi tỉnh, coi thản nhiên, hai mắt híp lại. Chúng sinh đang có sự phiền não lo lắng gì, trông thấy tượng Ngài cũng tiêu tan hết cả sợ hãi lo âu, sinh lòng vui vẻ tịnh tiến. Tượng Ngài thường hay bày giữa Tam Bảo, một bên là tượng Phật Bà Quán Âm, một bên là Phật Bà Thị Kính
2। Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương
+ Phạm Vương là ông chúa tể các cõi Trời. Phạm Thiên là một cõi trong sạch, vui thú, tức là cõi Sắc-Giới, không còn có sự tình dục như ở cõi Dục nữa. Người ta tu mười điều lành thì được sinh lên những cõi Trời này
+ Dưới Phạm Vương là Đế Thích, tức là đức Chúa tể của cõi Trời Đạo Lợi-là cõi Trời còn thuộc về Dục giời, còn có sự tình dục. Cung điện của Ngài ngự ở đỉnh núi Tu-Di, là một trái núi rất cao, rộng bao la, cả quả đất ta đều nằm trong đó
+ Tứ Thiên Vương là 4 vị Vua Trời coi nhau cai quản 4 góc Trời (4 góc núi Tu-Di):- Vua Trời Trí Quốc ở phương Đông- Vua Trời Tăng Trưởng ở phương Nam- Vua Trời Quảng Mục ở phương Tây- Vua Trời Đa Văn ở phương Bắc
3। Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu
Thờ 3 vị Tượng này là theo Kinh Điển đạo Lão. Đạo ấy tin rằng Thượng Đế là Chúa Tể cả vũ trụ, có quyền giáng hoạ, ban phúc cho nên có 2 vị giúp Ngài coi về việc thiện, ác, họa, phúc của nhân gian, ghi chép vào sách để trình Ngài thi hành thưởng phạt. Ấy là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu. Ở Việt nam, có một thời Đạo Lão thịnh hành, muốn hoà hợp với Đạo Phật, thấy trên chùa có thờ Tượng của các Vua trên cõi Trời, mới đem 3 tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào Bắc Đẩu mà thay thế vào ngôi Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương. Nay chùa nào có thờ Tượng ấy đều theo thuyết này cả
4. Tượng Cửu Long
Một hình Tiểu nhi đứng giữa, có nhiều hình người và rồng mây vây bọc xung quanh là Tượng gì? Đó là tượng Đức Thích Ca, cũng gọi là Tượng Cửu Long, cả Tượng Tuyết Sơn, Thế Tôn và Nát Bàn cũng là Tượng Ngài. Đức Thích Ca Mâu Ni lập nên Đạo Phật, Ngài làm Giáo chủ cõi Sa Bà, tế độ cho chúng sinh nên Tượng Ngài có 4 kiểu theo 4 sự tích trong Kinh Bản Hạnh. Bốn kiểu tuợng đó như sau:
a. Tượng Cửu LongTượng này tạc hình Người lúc mới sinh ra cho nên có hình Tiểu Nhi. Trong Kinh có nói, khi Ngài mới sinh ra, tự đứng lên đi 7 bước mà nói rằng: Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn. Nói rồi, Ngài lại nằm xuống mà khóc như đứa trẻ thường ở thế gian. Bởi thế, Tượng Ngài cũng tạc một tay trỏ lên Trời và một tay trỏ xuống đất.
Trong Kinh lại nói: lúc Ngài mới sinh ra, có nhiều điểm lạ hiện ra như trên hư không thì Phật, Thánh, Tiên và các Vua, Chúa trên các cõi Trời, đàn sáo vang lừng, cờ phan phấp phới, đón rước mừng rỡ; lại có 9 con rồng phun nước tắm cho Ngài bởi thế mới tạc 9 con rồng vây bọc xung quanh và chầu vào Ngài; lại có mây ngũ sắc quấn quít cùng với rồng và vây bọc Ngài. ở phía trên những đám mây ấy lại có các chư Phật, Tiên, Thánh và 8 bộ Kim Cương có phan nhã nhạc đứng hộ vệ xung quanh Ngài. Do vậy gọi là Tượng Cửu Long. Tạc Tượng này là để kỷ niệm và mừng rằng đã có Phật ra đời, để cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh nên chùa nào cũng có.Mỗi năm cứ đến ngày mùng 8 tháng 4 thì làm lễ kỷ niệm, tục gọi là ngày Bụt Sinh (đây là theo thuyết Phật giáng sinh nhằm ngày 8 tháng 4 năm Giáp Dần đời Vua Chiêu Vương nhà Chu bên Trung Quốc. Theo thuyết này thì phải làm lễ kỷ niệm vào ngày 8 tháng 2 mới đúng vì nhà vua lấy Kiến Tý làm tháng Giêng) đun nước ngũ vị hương rước tượng ra tắm.
Tượng Tuyết Sơn tạc hình Ngài ngồi gầy còm vì khi Ngài còn tu theo phép khổ hạnh ở trong núi Tuyết Sơn, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng và một hạt gạo, ròng rã trong 6 năm trời như thế, cho nên người gầy còm, chỉ còn cái da bọc cái xương, bụng đét vào tận xương sống, hai gò má vêu ra, hai mắt lõm sâu vào. Sau Ngài biết tu như thế không có ích gì vì khắc khổ quá, không phải là đạo trung, không thể đắc đạo thành Phật được, y như người nhạc sỹ đem cây đàn lên dây, thẳng quá tiếng đàn vẳng không hay và có khi đứt dây đàn; dây chùng quá thì cũng không hay vì không đủ sức phát thanh nên Ngày bỏ lối tu ấy mà đi khỏi núi Tuyết Sơn.
Nay trong các chùa tạc Tượng Ngài như vậy, mục đích là để cho đời biết rằng: Ngài là một vị Đông Cung Thái Tử, cực kỳ vinh hoa phú quý, song chỉ vì thương chúng sinh tìm phương cứu đời mà phải xả thân cầu đạo như thế
c. Tượng Thế Tôn
Tượng Thế Tôn có sách nói là Tượng Thuyết Pháp, tức là Tượng hình Ngài lúc ngồi thuyết pháp. Ngài ngồi xếp bằng, đầu để lộ, mình mặc áo cà sa, hở vai bên hữu(bên phải), tay bên tả(bên trái) cầm cái hoa sen, ấy là tượng trưng lúc Ngài truyền tâm pháp cho các đệ tử mà chỉ có ông Ca-Diếp hiểu thấu được thâm ý
d. Tượng Nát BànTượng Nát Bàn là để kỷ niệm lúc Ngài vào Nát Bàn, hình tạc nằm nghiêng, gối đầu vào tay bên hữu, mắt lim rim, không nhắm, không mở. Tượng này ở nước Xiêm La(Thái Lan) và Lào hay tạc nhiều, còn Việt nam và Trung quốc thì ít nơi có.
Trong các chùa ở Việt nam, Tượng Cửu Long để ở chính giữa trước Tam Bảo, còn tượng Tuyết Sơn và tượng Thế Tôn thì bày ở bên
trong tượng Cửu Long nhưng cũng ở chính giữa Tam BảoTrong Phép Phật, chỗ ngồi lấy nơi nhiều ánh sáng soi vào làm tôn kính cho nên tượng Cửu Long của Đức Thích Ca bày ở ngoài. Theo thứ tự vũ trụ thì Đức Thích Ca còn làm thầy cho cả cõi Trời và cõi Người nên Tượng của Ngài được bày ở ngoài cùng, rồi lần lượt đến tướng Đế Thích, tượng Phạm Vương, tượng Di Đà, sau cùng là tượng Tam Thế chư Phật
5. Văn Thù và Phả Hiền
Đức Văn Thù và Đức Phả Hiền là nhị vị Bồ Tát có công rất lớn giúp đỡ giáo hoá chúng sinh cho ĐứcPhật Thích Ca nên thường chầu trực bên tả, bên hữu Đức Phật Thích Ca
a. Đức Văn Thù
Đức Văn Thù giúp về phần trí tuệ, đứng chầu bên tả Phật Thích Ca. Có nơi tác tượng Ngài cưỡi con sư tử xanh. Đức Văn Thù có nhiều hình: hình Tăng, hình Tục, hình Đồng Tử. Hình Tục thì tạc đầu có búi tóc đội mũ ngọc, hình Đồng Tử thì trên đầu để 5 trái đào kết thành búi tóc, Hai hình này đều cầm bảo kiếm kim cương ở tay phải.
b. Đức Phả Hiền
Đức Phả Hiền giúp Đức Phật Thích Ca về phần sự-lý nên thường đứng chầu ở bên hữ Đức Phật Thích Ca. Có nơi tạc tượng Ngài cưỡi con voi trắng, đầu đội mũ có 5 vị hoá Phật. Mặt Ngài da trắng, tay tả nắm chặt và giơ lên, tay hữu cầm hoa sen trên có lưỡi kiếm
6. Tứ Bồ Tát
Thế nào gọi là Tứ Bồ Tát?Các vị Bồ Tát cũng như chư Phật, nhiều không thể kể hết. Những vị có danh số ở trong Kinh thuộc về từng bộ thì có: 16 vị Bồ Tát thuộc về Kim Cương giới; 37 vị Bồ Tát Mạn Đà La và 28 vị Bồ Tát thuộc về Hư Không Viện. Nhưng đa phần các chùa chỉ tác có 4 vị nên thường gọi là Tứ Bồ Tát. Có hai thuyết về Tứ Bồ Tát như sau:
Thuyết thứ nhất:
có 4 vị Bồ Tát là Quán Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Bốn vị này đều có hình tướng Thánh, Tăng,Thuyết thứ hai: có 4 vị là Ái Bồ Tát, Sách Bồ Tát, Ngữ Bồ Tát và Quyến Bồ Tát, Trong Phật học Đại tự điển thì chỉ có Quyền Bồ Tát, không phải Quyến Bồ TátLại có một thuyết khác nói rằng 4 vị Bồ Tát này cùng với 8 Tướng Kim Cương cùng một cha mẹ đẻ ra, Lần đầu sinh được một bọc nở ra 8 con trai sau thành 8 Tướng Kim Cương, lần sau sinh ra một bọc được 4 con gái, sau là 4 vị Bồ Tát, Bốn vị Bồ Tát theo như trong Phật học Đại tự điển thì vị nào cũng có 2 chữ Kim Cương đứng đầu tên hiệu vì kim cương là thứ ngọc rất cứng, bền và trong suốt, mà lòng chính định của các vị Bồ Tát cũng cứng bền và trong sáng như thế, cho nên danh hiệu của các vị Bồ Tát về Kim Cương giới Mạn Đà La và Hư Không Viện cũng đều lấy hai chữ Kim Cương đứng đầu
Bốn vị Kim Cương Bồ Tát là:
a. Kim Cương Ái Bồ TátTượng Ngài tay cầm một cái tên,
Vì Ngài chính định được lòng nên tuỳ thuận tự nhiên để tế độ điều phục mọi loài cương cường chúng sinh, tuy có nhiễm ô mà vẫn thanh tịnh (Kinh Đại Giáo Vương) nên gọi là Kim Cương Ái-nghĩa là yêu thương chúng sinh một cách rất bền bỉ mà trong lòng vẫn trong sạch và sáng như ngọc Kim Cương.
c Kim Cương Ngữ Bồ Tát
Tượng Ngài tay cầm cái lưỡi của Đức Như lai. Nghĩa là Ngài tụng Kinh chỉ tụng niệm một cách lầm rầm ở trong miệng, không nói ra thành tiếng cho ai biết, không cần cầu danh lợi, tỷ như người có cái lưỡi bằng Kim Cương, nên gọi là Kim Cương Ngữ Bồ Tát.
Tám vị Kim Cương là thế nào?
Kim Cương là thần tướng ở trên cõi Trời Nguyên bên nước Thiên Trúc, có một cái đồ binh khí, hình giống như cái chày rất cứng và sắc nhọn, cũng có khi người ta làm bằng ngọc Kim cương, cho nên gọi là Kim Cương Chử, Các vị thần tướng trên cõi Trời cầm chày Kim Cương, đi thị vệ các chư Phật nên gọi là Kim Cương thủ chấp Kim Cương thần và Kim Cương Lực sỹ, Khi nào gọi tắt thì chỉ gọi hai chữ Kim Cương thôi
Phẩm Phổ môn trong Kinh Pháp Hoa nói rằng: cần phải có Chấp Kim Cương Thần mới độ được thì Đức Quán Thế Âm liền hiện ngay ra Thần Chấp Kim Cương mà thuyết pháp độ cho, tức là vị Kim Cương Thần Tướng cầm chày Kim Cương này đó vậy. Trong bộ Kim Cương Thần Tướng có 8 vị đều có danh hiệu nhưng danh hiệu 8 vị Kim Cương mà các chùa vẫn nhận là:
+ Thanh Trừ Tai Kim Cương
+ Tích Độc Thần Kim Cương
+ Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương
+ Bạch Tinh Thuỷ Kim Cương
+ Xích Thanh độc Kim Cương
+ Định Trừ Tai Kim Cương
+ Tử Hiền Kim Cương
+ Đại Thần Lực Kim Cương
nhưng trong bộ Phật học Đại tự điển thì không thấy 8 tên này, chỉ có 8 tên khác, xin kể ra như sau đây: Phật học Đại tự điển chứng dẫn các Kinh thì 8 vị Kim Cương đều là Thần Tướng để hộ vệ Phật Pháp và danh hiệu 8 vị đều có nghĩa lý vi diệu hơn 8 vị này nhiều. Danh hiệu này cũng là tên của phái Lão Giáo bên Trung Quốc đặt ra, cho nên ở các điện phù thuỷ cũng có thờ 8 vị Kim Cương Thần Tướng bằng 8 tên này và có một bộ Kim Cương chú giải do một nhà phù thuỷ trứ danh bên Tàu làm ra.
Sau đây dẫn thêm 8 vị Kim Cương do trong Kinh Phật và Phật học Đại tự điển đã khảo cứu rất kỹ càng, gồm có hai điển tích: Bát Đại Kim Cương Minh Vương và Bát Đại Kim Cương Đồng Tử. Bát Đại Kim Cương Minh Vương tức là 8 vị Bồ Tát hiện thân ra làm 8 Tướng Kim Cương để ủng hộ Phật Pháp.
+ Kim Cương Thủ Bồ Tát hiện ra thành vị Giáng Tam Thế Kim Cương
+ Đại Cát Tường Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Uy Đức Kim Cương
+ Hư Không Tạng Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Tiếu Kim Cương
+ Từ Thị Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Luân Kim Cương
+ Quán Tự Tại Bồ Tát hiện ra thành vị Mã Đầu Kim Cương
+ Địa Tạng Bồ Tát hiện ra thành vị Vô Năng Thắng Kim Cương
+ Hàng Nhất Thiết Cái Chướng Bồ Tát hiện ra thành vị Bất Động Kim Cương
+ Phồ Hiền Bồ Tát hiện ra thành vị Bộ Trích Kim Cương
Bát Đại Kim Cương Đồng Tử là 8 vị sứ giả của Ngài Bất Động Minh Vương. Các Ngài đều hộ trì Phật Pháp là những vị sau đây: Tuệ Quang Đồng Tử, Tuệ Hỷ Đồng Tử, A-Lốc Đát Đa Đồng Tử, Chí Đức Đồng Tử, Ô-Câu Ba-Ca Đồng Tử, Thanh Đức Đồng Tử, Cằng Yết La Đồng Tử và Chế Cha Ca Đồng Tử. Mỗi vị Đồng Tử đều có một cái chày Kim Cương
7. Thánh Tăng
Sách Tượng Khí (sách dạy làm tượng) nói: giữa nhà Tăng Đường trong chùa có bày một tượng để thờ, gọi là Tượng Đức Thánh Tăng nhưng chính tên của Đức Thánh Tăng đó lại không nhất định, Những chùa theo phái Đại Thừa thì thờ vị Thánh Tăng ấy là Đức Văn Thù. Những chùa về phái Tiểu Thừa thì thờ vị Thánh Tăng ấy là Đức Kiều Trần Như hoặc Đức Tân Đầu Lư hoặc là Đức Đại Ca Diếp hoặc là Đức Tu Bồ Đề. Tuỳ ý thờ vị nào cũng được, không nhất định. Các chùa nước ta về gian đầu bên phía Tây nhà Tiền Đường bày Tượng vị Thánh Tăng thường gọi là Đức Át-Nan
8. Thập Điện
Tại sao lại gọi là Thập Điện?
Thập Điện là mười Đức Vua coi mười cung điện dưới địa ngục thuộc cõi u minh giới. Theo sách nhà Phật, con người sau khi từ trần, linh hồn từ giã xác thịt ra đi, cứ bảy ngày phải đến trình diện ở một cửa điện ở cõi U Minh để một đức Vua xét hỏi về việc thiện ác trên thế gian ra sao…Qua (7 lần 7 ngày) là tuần “Tứ Cửu”, rồi đến tuần “Bách Nhật”, rồi đến ngày “Giỗ Đầu” và 33 lần ngày Giỗ, về sau nữa đều phải trải quả 13 cửa đức Vua để xét hỏi tội nghiệp. Mười ba Đức Vua ấy chính là 13 Đức Phật hoá thân ra. Mỗi Vua coi một cửa ngục, có tới 18 cửa ngục, mỗi cửa ngục có một hình phạt khác nhau như: xe lửa, vạc dầu, tường sắt… Những người canh ngục phần nhiều là những người mình người mà đầu trâu mặt ngựa, coi rất dữ tợn nên thường gọi là Quỷ sứ. Những kẻ này độc ác không thể tả, ăn thịt người không tanh, chúng chuyên tra tấn kẻ có tội. Tuy là 13 cửa Điện, nhưng người đời chỉ chú trọng có 10 cửa Điện, nên gọi là Thập Điện. Thập Điện bao gồm:
+ Tần Quảng Minh Vương tức là Bất Động Minh Vương, làm nhiệm vụ xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ nhất”
+ Sở Giang Minh Vương tức là Đức Phật Thích Ca, làm nhiệm vụ xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ hai”
+ Tống Đế Minh Vương tức là Đức Văn Thù, làm nhiệm vụ xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ ba”
+ Ngũ Quan Minh Vương tức là Đức Phổ Hiền giữ nhiệm vụ xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ tư”
+ Diêm La Minh Vương tức là Đức Địa Tạng Bồ Tát, xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ năm”
+ Biến Thánh Minh Vương tức là Đức Di Lặc, xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ sáu”
+ Thái Sơn Minh Vương tức là Đức Dược Sư xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ bảy”
+ Bình Chính Minh Vương, tức là Đức Quán Âm xét hỏi linh hồn “7 ngày thứ tám”
+ Đô Thị Minh Vương, tức là Đức Thế Chí xét hỏi linh ồn vào tuần “Giỗ đầu”
+ Ngũ Đạo Chuyển Luân Minh Vương, tức là Đức Di Đà, tra xét linh ồn vào ngày Giỗ hết
Mười Đức Vua cai quản ở cõi U Minh nói trên, thế tục lấy tên Đức Vua ở Điện thứ 5 là Diêm La Minh Vương mà gọi tắt các vị là Diêm Vương.Tượng 10 Vua và 10 cung điện gọi là Thập Điện, cũng còn gọi là Động.
Còn ba vị nữa là: (1) Liên Hoa Minh Vương, tức Đức Phật A Thiểm; (2) Kỳ Viên Minh Vương, tức Đức Phật Đại Nhật; (3) Pháp Giới Minh Vương tức Đức Phật Hư Không Tạng.
9. Kim Đồng và Ngọc Nữ với Thiện Tài và Long NữKim Đồng tức là Kim Diệu Đồng Tử, là con một nhà Trưởng giả, dòng dõi Bà La Môn. Khi còn bé đã tin Phật, theo Phật đi xuất gia-đi tu.
Ngọc Nữ là Ngọc Giá Nữ, con dâu của ông Cấp Cô Độc, nghe lời Phật biết hối lỗi và quy Phật thụ giới
Thiện Tài Đồng Tử nghe Đức Văn Thù chỉ giáo, đi sam học 53 nơi, 53 ông thầy, sau ngộ đạo
Long Nữ là con gái vua Long Vương, mới lên 8 tuổi, nhân được nghe Đức Văn Thù xuống thuyết pháp ở dưới Long Cung, lòng mộ đạo liền trút bỏ thân rồn, hiện ra thân người, lên Linh Sơn nghe Phật thuyết pháp, quy Phật và đắc đạo ngay.Bốn vị Tượng này đứng hành giả chư Phật và Bồ Tát. Bao giờ Tượng Kim Đồng cũng đứng sánh với Tượng Ngọc Nữ, tượng Thiện Tài bao giờ cũng đi đôi với tượng Long Nữ.
10. Tượng Hộ Pháp
các chùa, hai bên tiền đường trước điện thờ Phật, ta thường thấy có hai pho tượng hình võ sĩ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, có chùa thì tạc tượng đứng chầu cầm kiếm nhưng phần nhiều thì hay đắp tượng hình to lớn, cưỡi con sấu, một vị có vẻ nhân từ và một vị thì trông rất oai nghiệm và dữ dằn nên tục thường gọi là ông Thiện và ông Ác. Cũng có thuyết nói: ông Thiện và ông Ác là con vua Ba La Nọi. Ông Thiện là con bà cả tên là Thiện Hữu, tính rất nhân từ, thương em và thương người. Ông Ác là con bà bé tên là Ác Hữu, tính rất tàn ác, chỉ định giết anh tranh ngôi vua. Sau được anh cảm hoá, ông hồi tâm hướng đạo nên ngày nay cùng anh được thờ ở trên chùa. Trong Kinh Hiền Ngu nói, ông Thiện Hữu tức là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, ông Ác Hữu là tiền thân của ông Đề Bà Đạt Đa. Cho nên, khi Đức Phật Thích Ca đã thành đạo, đi giáo hoá chúng sinh, ông Đề Bà Đạt Đa cũng chỉ chực hại Phật, sau mới quy Phật và mộ đạo nhưng xét ra như thế chưa đúng. Vì tục gọi là ông Thiện và ông Ác, lại thấy trong Kinh nói sự tích ông Thiện Hữu và ông Ác Hữu thì phụ hoạ vào cho có chuyện, chứ thực ra thì hai vị này chỉ là hai vị Hộ Pháp Thiện Thần trong hàng các vị Kim Cương Thần Tướng để ngoài hộ Phật Pháp mà thôi.
Sách Phật học Đại tự điển nói: Tướng Kim Cương lực sỹ tức là Thần Dạ Xoa và Dược Xoa, tay cầm gậy kim cương, giữ cửa Thiên Cung của vua Đế Thích. Tới khi Phật ra đời thì các Tướng ấy cũng xuống trần để hộ vệ Phật và canh gác nơi đạo tràng, cũng gọi là Tướng Kim Cương Mật Tích. Trong Kinh Kim Quang Minh Phẩm quỷ thần nói: Kim Cương Mật Tích đại quỷ vương cũng với họ hàng 500 đồ đảng đều là những bị Đại Bồ Tát để ủng hộ cho những người nghe đọc Kinh này. Bởi thế, tự cổ tới kim, hai bên nách cửa chùa đều có đắp hai vị Kim Cương Lực sỹ, tức là Kim Cương Mật Tích vậy, thường gọi là Nhị Vương.
Trong sách Tỳ Nai Gia tạp sử cũng có nói: sau khi ông Cấp Cô trưởng giả mua vườn làm nhà Tịnh Xá cúng Phật rồi, ông nghĩ rằng Tịnh Xá không vẽ thêm hình gì thì không được trang nghiêm. Ông hỏi Phật, Phật bảo ông vẽ hai Tướng Dược Xoa ở hai bên nách cửa. Như vậy, hai vị tượng ở hai bên chùa chính là tượng hai vị Thiện Thần Hộ Pháp. Hai ông này thường được đắp bằng đất thó to lớn đẫy gian chùa, nên tục có câu “to lớn như ông Hộ Pháp thó”. Kinh sách nhà Phật đã biến thành thông tục rồi, nên tục gọi là ông Thiện tức là ông Khuyến Thiện và ông Ác, tức là ông Trừng Ác.
11. Tượng Thổ Địa là thế nào?
Tượng Thổ Địa hay Thổ Địa thần cũng vậy, chỉ là vị Thần giữ gìn cõi đất, vị Thần này do Điển lễ Trung Quốc từ đời Xuân Thu đã có thờ.
Sách Công Dương truyện chú nói: Thần Xã là Thần chủ cõi đất cho nên thờ ở các làng , tục gọi là Thần Thổ Địa.
Sách Tượng Khí nói: Thổ Địa đường tức là nhà tiền đường thờ Thổ Địa Thần và Hộ Pháp Thần. Ban Thờ Thổ Địa Thần thì ở mé tay tả PHật Điện(tục gọi là Đức Chúa). Đức Chúa tức là Chủ coi cõi đất vì đời cho rằng, Phật đại từ bi không chấp nhưng kẻ tham tâm lấy của Phật nên phải có Đức Chúa Thổ Đia. Ngài rất uy linh, trông coi giữ gìn hết thảy tài sản khí vật cho chùa, ai xâm phạm đến một tí gì của chùa là Ngài hành phạt ngay một cách rất nghiêm khắc.
Bởi vậy, của chùa rất ít ki bị kẻ gian tham trộm cắp chiếm đoạt. Tạc tượng Thổ Địa Thần phải tạc rất uy nghiêm, kẻ trông thấy phải rợn người mới đúng, nhiều nơi tạc tượng một ông già râu bạc, béo phị, mặt hiền hậu là không đúng ý nghĩa.
12. Thổ Địa và Long Thần có khác nhau không?
Kinh an Thổ Địa Long Thần nói: Khi bấy giờ, Đức Phật Thế Tôn cùng với ông Át-Nan lên núi Hoa Cái ở nước Thiên Trúc, gặp một ông già mình cao chín thước, đầu đội mũ Tam Sơn, lông mày dài, xanh biếc, mình thắt lưng đai thao đen, chân vận giày đen, tay cầm gậy bằng cành khô, trông rất dữ tợn. Đại chúng thấy vậy, sợ hãi vô cùng. Phật liền hỏi: Ngài là bậc Thánh Giả ở phương nào lại? Đạo đức ra sao, xin Ngài cho biết?
Bạch Đức Thế Tôn, tôi là thần Thổ Địa ở núi Hoa Cái này đã lâu đời, cho nên trên hiểu cơ trời, dưới thông thớ đất, giữa suốt lòng người. Ở trên mặt đất này, phàm các thứ như Hổ Báo, Sài, Lang, Côn Trùng, Điểu, Thú...đều quy phuc. Ở nước, ở nhà, ở thôn, ở xã, ở núi như thế gọi là Ngũ Phương Long Thần, Thổ Địa, Thổ Quỷ, Thổ Phù, Thổ Công, Thổ Kỵ, Thổ Phụ, Thổ Mẫu. Hai mươi bốn phương là hai mươi bốn hướng, hai mưới tám tướng Thần Thổ Địa, đều thuộc quyền tôi cai quản.
Ông ở trong núi thì gọi là Sơn Thần Thổ Địa
Ông ở nhân gian thì gọi là Trú Thạch Thổ Địa
Ông ở chùa, quán thì gọi là Già Lam Thổ Địa
Ông ở châu, phủ thì gọi là Thành Hoàng Thổ Địa...
Như vậy thì biết rằng, Long Thần với Thổ Địa là một và có những danh xưng sau đây:
+ Mỹ Âm Long Thần
+ Phạm Âm Long Thần
+ Thiên Cổ Long Thần
+ Thán Diệu Long Thần
+ Thán Mỹ Long Thần
+ Ma Diệu Long Thần
+ Lôi Âm Long Thần
+ Sư Tử Long Thần
+ Hoan Đức Long Thần
+ Phạm Ưởng Long Thần
+ Đức Âm Long Thần
+ Phật Diệu Long Thần
+ Triệt Đức Long Thần
+ Quảng Mục Long Thần
+ Diệu Nhỡn Long Thần
+ Triệt Thính Long Thần
+ Triệt Thị Long Thần
+ Biến Hiện Long Thần
13. Tượng Tam Thế là thế nào?
Tam Thế là ba đời: đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai.
Quá khứ là nói tổng quát tất cả chư Phật đời xưa, trước Đức Phật Thích Ca như Đức Phật Tỳ Bà Thi, Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tỳ Xá Phù, Đức Phật Câu Lưu Tôn, Đức Phật Câu La Hàm Mầu Ni, Đức Phật Ca Diếp...
Hiện tại gồm Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, hiện đương làm giáo chủ cả cõi nhân gian và cõi giời.Vị lai gồm Đức Phật Di Lặc, sau này sẽ thay thế kế ngôi Đức Phật Thích Ca, để giáo hóa chúng sinh trong cõi sa bà này.
Trong Kinh Phật có nói: các Đức Phật đều có đủ 32 tướng quý như sau:
+ Dưới gan bàn chân bằng phẳng
+ Dưới gan bàn chân có hàng nghìn cái khoáy
+ Ngón tay nhỏ muốt như búp măng
+ Thịt bàn chân, bàn tay nõn nà
+ Vết nhăn bàn tay đều như mắt lưới
+ Gót chân đầy mập, không thấy mắt cá
+ Đầu gối mập, không lộ xương bánh chè
+ Rốn sâu và to như rốn hươu
+ Tay buông thõng dài quá gối
+ Mã âm tàng mật
+ Người cao trượng sáu
+ Các chân lông thường có hào quang xanh phát ra
+ Các lông trong người đều mọc ngược
+ Khắp trong người đều có sắc vàng
+ Hào quang trong người thường phóng ra xung quanh vừa một trượng
+ Da thịt nhỏ mịn và bóng nhoáng
+ Hai nách, hai xương quai xanh, hai bàn tay và sau gáy đầy đặn bằng phẳng
+ Ngực bằng phẳng và có chữ Vạn (thập ngoặc)
+ Mình như mình sư tử
+ Người trông nghiêm trang
+ Hàm răng có 40 cái
+ Hai vai tròn đầy và ngang phẳng
+ Bốn cái răng nanh trắng tinh như Bạch ngọc
+ Mép trông như mép sư tử
+ Hàm răng trắng tinh đều nhau
+ Tóc xoáy như trôn ốc
+ Lưỡi rộng và dài
+ Mặt như Mặt trăng ngày rằm
+ Mắt sáng như Kim Tinh
+ Tai to, dày, đủ thành quách và Thùy Châu chấm vai
+ Khoảng Lông mày thường có hào quang trắng lấp lánh như trăm nghìn đạo Kim Quang
+ Trên đỉnh đầu gồ lên như búi tóc
Ba pho tượng Tam Thế khuôn khổ bằng nhau, tướng mạo giống nhau, bày thờ cũng ngang nhau, ngồi sánh vai nhau, ở tận trên ban cao nhất, giáp vách thượng điện. Cho nên nhiều người không hiểu hay gọi là "Ba ông Bụt Ốc".
14. Tượng Di ĐàBa pho tượng bày ngồi trước mặt ba tượng Tam Thế, thấp hơn một chút, một vị to nhất ngồi giữa, còn hai vị bé ngồi hai bên là tượng gì?
Đó là tượng Di Đà, Quan Âm và Thế Chí, còn gọi là Tây Phương Tam Thánh, nghĩa là ba Đức Thánh ở nước Cực Lạc(rất vui). Thế giới ấy ở ngoài quả đất này.Trong Kinh có chép về tượng Di Đà như sau: Sắc tướng chư Phật thường biến hiện vô cùng, to lớn vô cùng, to lớn hơn cả núi non, bởi vậy nên tượng Đức Phật Di Đà, người ta thường tạc to hơn các tượng khác nhiều. Tùy sức từng chùa mà có thể tạc to đến đâu cũng được. Tượng này thường tạc kiểu ngồi xếp bằng (già nhu), mình mặc áo cà sa, hai tay để ngửa trong lòng, trên đầu để lộ đỉnh, không đội mũ, (trong phép Phật lấy lộ đỉnh làm quý và là lễ trọng nên người ta thường tạc như vậy ), trên ngực Ngài cũng có chữ Vạn(chữ thập ngoặc) như các Đức Phật khác và có đeo tràng Anh Lạc( tên gọi là Chuỗi ngọc báu). Đó là theo lễ độ của nước Ấn Độ ngày xưa; tượng các vị Bồ Tát cũng vậy, nghĩa là cũng đeo tràng Anh Lạc như các chư Phật.
Quán Âm và Thế Chí là hai vị hành giả của Đức Phật Di Đà, để giúp việc cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, cho nên người ta tạc tượng hai vị Bồ Tát này, kiểu đứng chầu và bày đứng hai bên tả(trái) và bên hữu(phải) của tượng Đức Di Đà. Tượng Đức Quán Thế Âm thì đứng bên tả, tượng Đức Đại Thế Chí thì đứng về bên hữu.
Có nơi, tượng Đức Quán Thế Âm lại tạc tay cầm canh dương liễu để sái nước cam lộ cho chúng sinh mát dạ, hả lòng. Tượng Đức Thế Chí thì tạc tay bưng hồ cam lộ để bố thí cho chúng sinh, khỏi đói khỏi khát.
15. Tượng Quán Âm
Đây là tượng gì mà trông yểu điệu như vậy?
Đó là tượng Đức Phật Bà Quán Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm vốn là đàn ông nhưng ngài rất thần thông, thiêng liêng vô cùng. Nghe thấy chúng sinh kêu cầu ở đâu thì liến đến ngay tận nơi để tùy cơ cần phải hiện ra thân gì thì Ngài liền biến hiện ra thân đấy để cứu khổ, cứu nạn. Ngài thường biến hiện thành hình đàn bà con gái để dễ cứu độ cho chúng sinh trong khi cấp nạn và Ngài lại thường hiện thân, giáng sinh làm đàn bà con gái đi tu hành để dễ cảm hóa cho chúng sinh, ấy là tượng Đức Phật Bà Quán Âm Hương Tích(Quán Âm tọa sơn)
Tượng gì hình dáng đàn bà mà lại bế con thế này?
Đó là Quán Âm Thị Kính, cũng là một hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có giáng sinh xuống Cao Ly làm con gái một nhà trưởng giả họ Mãng. Ngài có lấy chồng, bị chồng ngờ là thất tiết, sau mới cải trang làm đàn ông đi tu, pháp hiệu là Kính Tâm, lại bị gái đổ oan tình, trải bao nhiều điều oan uổng, xấu xa mà Ngài vẫn thản nhiên như không , để chịu đựng mọi điều khổ nhục, cốt tu cho thành quả phúc, cho nên tượng Ngài ngồi bế đứa con thơ, là con đẻ hoang của Thị Màu, nó đã vu cho. Ghềnh núi bên vai tượng có con chim Vẹt tức la báo thân của người chồng tên là Thiện Sỹ.

COMMENTS

Tên

cá nhân giải trí hình đẹp Phật Giáo phong tục văn hóa
false
ltr
item
GIỌT SƯƠNG CÀNH SEN: Tìm hiểu ý nghĩa vài tượng thờ
Tìm hiểu ý nghĩa vài tượng thờ
GIỌT SƯƠNG CÀNH SEN
http://giotsuongcanhsen.blogspot.com/2008/01/tm-hiu-ngha-vi-tng-th.html
http://giotsuongcanhsen.blogspot.com/
http://giotsuongcanhsen.blogspot.com/
http://giotsuongcanhsen.blogspot.com/2008/01/tm-hiu-ngha-vi-tng-th.html
true
1874685925933797014
UTF-8
Not found any posts VIEW ALL Readmore Reply Cancel reply Delete By Home PAGES POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU LABEL ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS CONTENT IS PREMIUM Please share to unlock Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy